Ở những nơi có nguồn điện không ổn định khiến các thiết bị điện hoạt động chập chờn, không đúng công suất, điều này lâu ngày sẽ làm giảm độ bền của các thiết bị điện. Khi đó bạn cần sắm ngay cho gia đình mình một máy ổn áp. Vậy Ổn áp là gì? Hoạt động thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết bên dưới nhé!
Khái niệm ổn áp
Ổn áp (Voltage stabilizer) là một thiết bị điện có nhiệm vụ chính là ổn định điện áp đầu ra cho dù điện áp đầu vào có cao hơn hoặc thấp hơn danh định (nhưng phải nằm trong dải làm việc của ổn áp), để cấp đủ điện cho các thiết bị khác hoạt động ổn định.
Ổn áp là thiết bị điện có khả năng biến đổi điện áp dựa vào nguyên lý cảm ứng điện từ để đưa dòng điện có điện áp cao hoặc thấp về mức ổn định, thông thường là 220v hoặc 110v. Hiện nay có 2 lưới điện: 1 pha và 3 pha vì vậy ổn áp cũng chia thành ổn áp 1 pha và 3 pha.
Nguyên lý hoạt động
Các loại Ổn áp phổ biến hiện nay trên thị trường sẽ có 5 nguyên lý hoạt động chính như sau:
- Sử dụng biến áp xuyến phối hợp chổi than, lấy điện áp ra trực tiếp.
- Sử dụng biến áp bù phối hợp biến áp xuyến có chổi than hoặc linh kiện bán dẫn IGBT.
- Sử dụng biến áp và tụ điện.
- Sử dụng biến áp phối hợp chuyển mạch rơ le.
- Sử dụng biến áp xung và mạch điện tử.
Máy ổn áp thông thường có một biến áp hình xuyến được quấn dây điện từ, trên bề mặt dây có gắn chổi than. Chổi than sẽ làm nhiệm vụ trượt lấy điện áp của từng vòng dây.
Khi thấy điện áp ra bị thấp hay cao thì mạch điều khiển sẽ có lệnh cho mô tơ hoạt động. Quay thuận hoặc quay ngược để lấy điện áp ở vòng dây trên biến áp hình xuyến. Khi nào điện áp đầu ra đủ 220V thì mạch so sánh sẽ ra lệnh cho moto dừng lại.
Và khi bị mất điện thì chổi than sẽ tự động trở về vị trí an toàn, tương ứng với điện áp vào cao nhằm không bị cộng dồn điện áp khi có điện trở lại.
Nguyên lý của ổn áp 1 pha đơn giản hơn ổn áp 3 pha. Mỗi một máy chỉ có cấu tạo:
- 1 Mạch điều khiển.
- 1 Biến áp hình xuyến (Công suất càng lớn biến áp càng lớn).
- 1 Động cơ điều khiển quay lên quay xuống.
- 1 Chổi than kích thước tiêu chuẩn với biến áp hình xuyến.
- Các phụ kiện đi kèm theo máy như đồng hồ, cọc đấu, đèn báo…
Sử dụng ổn áp có tốn điện không?
Câu trả lời là có. Không có thiết bị nào hoạt động mà không tốn điện. Nhưng các thiết bị điện chia thành 2 loại: thiết bị tiêu thụ điện năng và thiết bị cấp nguồn.
Các thiết bị tiêu thụ điện năng khi hoạt động sẽ tốn 1 lượng điện nhất định tùy thuộc vào công suất của thiết bị đo điện năng bị chuyển hóa thành năng lượng khác như cơ năng (quạt, máy giặt) nhiệt năng ( tủ lạnh, điều hòa) quang năng ( bóng đèn)…..
Cách chọn ổn áp cho gia đình
Ổn áp là thiết bị giúp cải thiện điện áp, cung cấp điện cho thiết bị dùng điện khác. Bản thân ổn áp không sinh ra năng lượng. Công suất ra của ổn áp, luôn giảm tỉ lệ với mức suy giảm điện áp của nguồn điện vào. Khi nguồn điện vào quá yếu, công suất ra của ổn áp càng giảm nhiều. Do vậy, khi dùng máy ổn áp dải điện áp vào rộng, cần thiết phải chọn công suất của ổn áp phù hợp.
Vào thời điểm nguồn điện đang rất yếu, dù ổn áp có nâng điện lên đủ 220V. Cũng chỉ nên sử dụng các thiết bị điện có công suất nhỏ. Tránh sử dụng máy bơm nước, máy lạnh…và các tải có công suất lớn. Các tải có động cơ như: Máy bơm, máy lạnh… luôn có dòng khởi động lớn gấp nhiều lần dòng chạy bình thường. Sẽ làm điện áp của nguồn điện vào tụt sâu đột ngột, và dòng điện đầu vào tăng cao, vượt quá khả năng đáp ứng của ổn áp. Ổn áp sẽ bị quá tải và không còn giữ được điện áp ra ổn định.
Ở những hộ tiêu thụ xa trạm điện hạ thế, đường dây tải điện có tiết diện nhỏ. Luôn gặp phải trường hợp điện yếu và tụt áp đột ngột nói trên. Nếu tuyến đường dây đó, có máy hàn điện, hay động cơ điện đang hoạt động, thì tình trạng điện càng mất ổn định. Lúc này việc dùng ổn áp, sẽ giúp cải thiện chất lượng cung cấp điện. Đảm bảo an toàn và giữ được tuổi thọ cho thiết bị dùng điện.
Để khắc phục về lâu dài, cần nâng tiết diện dây dẫn cho đủ lớn để tránh sụt áp. Đồng thời lắp đặt bổ sung trạm biến thế, sao cho khoảng cách từ trạm đến hộ tiêu thụ điện không quá xa.